SOẠN BÀI: NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH – NGUYỄN THI

I. Soạn bài Những đứa con trong gia đình: Phần Tác giả

1. Cuộc đời Tác giả Nguyễn Thi 

  • Nguyễn Thi (1928 – 1968) tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn, quê ở Nam Định, gắn bó với chiến trường miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
  • Ông sinh ra trong một gia đình nghèo và là một cơ sở cách mạng. Mồ côi cha từ năm mười tuổi, mẹ đi bước nữa, Nguyễn Thi phải sống nhờ nhà họ hàng nên vất vả, tủi cực từ nhỏ. Năm 1943, ông theo người anh vào Sài Gòn, vừa đi làm kiếm sống vừa tự học. Năm 1945, ông tham gia cách mạng tại Sài Gòn và sau đó nhập lực lượng vũ trang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Thi làm công tác tuyên huấn, vừa chiến đấu vừa hăng hái hoạt động văn nghệ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở tòa soạn Tạp Chí Văn nghệ quân đội. 1962, Nguyễn Thi tình nguyện trở lại chiến trường miền Nam, là một trong những thành viên sáng lập và phụ trách Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng và đã sống ở những vùng đất ác liệt nhất như Bến Tre, Đồng Tháp Mười, …. Ông hi sinh anh dũng ở mặt trận Sài Gòn, trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, giữa lúc tài năng được khẳng định và phát triển mạnh mẽ. 

2. Sự nghiệp và đặc điểm sáng tác của Tác giả Nguyễn Thi

  • Ông được xem là nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Nhân vật tiêu biểu trong văn của ông là những nông dân Nam Bộ hồn nhiên, bộc trực; căm thù sâu sắc bọn xâm lược; vô cùng gan góc, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Ông có năng lực phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, xây dựng được những nhân vật có cá tính mạnh mẽ.
  • Sáng tác của ông gồm nhiều thể loại: bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết. Tác phẩm tiêu biểu: Truyện và ký; Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi toàn tập.
  • Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

II. Soạn bài Những đứa con trong gia đình: Phần Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác truyện Những đứa con trong gia đình

Những đứa con trong gia đình là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Thị, rút từ tập Truyện và kí, (1978). Được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt khi ông công tác với tư cách là một nhà văn – chiến sĩ ở tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. Đoạn trích là dòng tâm tư, hồi ức của anh chiến sĩ trẻ tên Việt trong lần thứ tư tỉnh lại khi bị thương ở giữa chiến trường.

2. Bố cục – Những đứa con trong gia đình

Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình được chia thành 2 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến đoạn “ những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong”: Việt bị thương ở chiến trường và những lần ngất đi tỉnh lại do vết thương dày vò.
  • Phần 2: Phần còn lại: Việt nhớ những ngày còn ở nhà, trước khi tham gia chiến đầu. 

3. Ý nghĩa nhan đề – Những đứa con trong gia đình

  • “Những đứa con trong gia đình” nói về những người con trong một gia đình cụ thể ở Nam Bộ tiêu biểu là chị em Việt, Chiến, ba má của họ, chú Năm… Họ giàu tình cảm yêu thương gia đình, có truyền thống cách mạng, yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc cũng như lập được nhiều chiến công lừng lẫy.
  • Không chỉ là chuyện của một gia đình mà đó còn là hình ảnh thu nhỏ của cả miền Nam đau thương, của dân tộc Việt Nam, gánh chịu tang tóc do đế quốc Mĩ gây ra nhưng muôn người như một, đoàn kết chiến đấu, anh dũng đấu tranh, lập được chiến tích lẫy lừng để giải phóng quê hương đất nước.
  • Nhan đề góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm: Sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

4. Chủ đề – Những đứa con trong gia đình

  • Ngợi ca nhân vật Việt và Chiến- những đứa con trong gia đình- giàu truyền thống cách mạng, yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm ra trận đánh giặc để trả thù nhà, nợ nước.
  • Ngợi ca vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước

5. Tóm tắt tác phẩm – Những đứa con trong gia đình

Việt là chiến sĩ Giải phóng quân, xuất thân từ một gia đình nông dân có mối thù sâu sắc với Mỹ – Ngụy: ông nội và bố bị giặc giết hại, mẹ chết vì bom đạn. Gia đình còn lại Việt, chị Chiến, thằng Ú tem, chú Năm và một người chị nuôi đi lấy chồng xa. Mọi việc vẻ vang và đau thương của gia đình được chú Năm ghi chép trong một cuốn sổ.

Trong một trận chiến đấu ác liệt, Việt hạ được một xe bọc thép nhưng bị thương nặng và lạc đồng đội. Việt ngất đi và tỉnh lại nhiều lần. Lần tỉnh lại thứ tư, Việt ước được gặp má. Cái cảm giác vắng lặng làm Việt sợ ma. Bỗng nghe tiếng súng của quân ta, dù chỉ còn một ngón tay cái cử động được nhưng Việt vẫn quyết tâm xung phong.

Việt nhớ lại cảnh hai chị em giành nhau đi bộ đội, nhớ chị Chiến với từng lời nói rành rọt: “Nếu giặc còn thì tao mất”. Nhớ cách sắp xếp việc nhà gọn hơ của chị: nào là trước lúc hai chị em đi bộ đội phải viết thư cho chị hai biết, nào là thằng Út em sang ở với chú Năm, nhà thì cho xã mượn làm trường học, năm công ruộng trả lại cho chi bộ, hai công mía để dành giỗ ba má, bàn thờ ba má gửi sang chú Năm. Rồi Việt nhớ chú Năm với câu hò thiết tha như một lời thề dữ dội.

Sau ba ngày, đồng đội tìm được Việt, anh đã kiệt sức nhưng một ngón tay vẫn đặt ở cò sung. Anh được điều trị và dần hồi phục. Việt muốn viết thư cho chị Chiến nhưng không muốn kể những chiến công của mình vì tự thấy chưa thấm gì với thành tích của đơn vị và những ước mong của má.

6. Phương thức trần thuật của tác phẩm Những đứa con trong gia đình

Tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” được trần thuật chủ yếu qua dòng hồi tưởng đứt, nối của nhân vật Việt khi bị thương nằm lại chiến trường.

Tác dụng về mặt nghệ thuật:

  • Đem lại cho tác phẩm màu sắc trữ tình đậm đà, tự nhiên, sống động.
  • Tạo điều kiện cho nhà văn thâm nhập sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để dẫn dắt câu chuyện, làm nổi bật tính cách nhân vật.

Diễn biến câu chuyện linh hoạt, hai mảng quá khứ và hiện tại bổ sung cho nhau khiến câu chuyện trở nên mới mẻ, hấp dẫn.

Ngôn ngữ phong phú, góc cạnh, tự nhiên, mang đậm màu sắc Nam bộ.

7. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Những đứa con trong gia đình

Truyện kể về những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc và khao khát chiến đấu, son sắt với cách mạng. Sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Truyện được trần thuật qua hồi tưởng của nhân vật, miêu tả tâm lí và tính cách sắc sảo, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ.

III. Soạn bài Những đứa con trong gia đình: Phần Hướng dẫn đọc bài

1. Câu 1 SGK Ngữ văn 12 – Tập 2 – Hướng dẫn đọc bài

Đoạn trích “Những đứa con trong gia đình” được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật nào ? Cách trần thuật này có tác dụng như thế nào đối với kết cấu truyện và khắc họa tính cách nhân vật ?

Trả lời:

  • Truyện được thuật lại chủ yếu qua dòng hồi tưởng của nhân vật Việt – một chiến sĩ Quân giải phóng – bị thương phải nằm lại giữa chiến trường.
  • Dòng nội tâm của nhân vật Việt khi liền mạch (lúc tỉnh), khi gián đoạn (lúc ngất)
  • Cách trần thuật này làm cho câu chuyện trở nên chân thật hơn; kết cấu truyện linh hoạt, tự nhiên: có thể thay đổi đối tượng, không gian, thời gian, đan xen tự sự và trữ tình…
  • Mỗi lần Việt hồi tưởng, một số sự kiện được chắp nối và các thành viên trong gia đình lần lượt hiện ra, được tô đậm dần dần. Đồng thời bản thân nhân vật cũng thể hiện rõ bản lĩnh, tính cách của mình, đặc biệt là trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Cách trần thuật này chứng tỏ Nguyễn Thi là cây bút có năng lực phân tích tâm lí sắc sảo.

2. Câu 2 SGK Ngữ văn 12 – Tập 2 – Hướng dẫn đọc bài

Tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam Bộ. Truyền thống nào đã gắn bó những người con trong gia đình với nhau ? (Chú ý mối quan hệ của Chiến, Việt với má và chú Năm.)

Trả lời:

Tác phẩm kể chuyện về một gia đình nông dân Nam Bộ với hình tượng những con người có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, thủy chung, son sắt với cách mạng. Chính truyền thống này đã gắn bó họ với nhau. Đó đều là những con người gan góc, dũng cảm, khao khát được chiến đấu đề giết giặc. Họ không chỉ căm thù giặc sâu sắc mà con rất giàu tình nghĩa, thủy chung, son sắt với cách mạng và quê hương.

3. Câu 3 SGK Ngữ văn 12 – Tập 2 – Hướng dẫn đọc bài

Phân tích và so sánh tính cách các nhân vật Chiến, Việt để làm rõ sự tiếp nối truyền thống gia đình của những người con.

Trả lời:

Nhân vật Chiến và Việt

a. Nhân vật Chiến

Chiến mang vóc dáng của má: “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng … thân người to và chắc nịch”. Đó là vẻ đẹp của những con người sinh ra để gánh vác, chống chọi, để chịu đựng và chiến thắng.

Chiến gắn bó với gia đình sâu sắc:

–         Chiến đặc biệt giống má ở cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội:

•  Trong một đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị giống má: từ cái lối nằm với thằng Út em trên giường ở trong buồng nói với ra đến cái cựa mình nghĩ ngợi rồi lối tính toán, lối nói “nghe in như má”.

•  Chính Chiến cũng thấy mình trong đêm ấy đang hòa vào lòng mẹ: “Tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy”.

→  Nguyễn Thi muốn cho ta biết rằng: trong cái thời khắc thiêng liêng ấy, tình yêu thương mẹ sâu đậm luôn hiện diện trong những đứa con.

–         Chiến biết lo liệu, tính toán việc nhà gọn ghẽ. Nào là trước lúc hai chị em đi bộ đội phải viết thư cho chị hai biết, nào là thằng Út em sang ở với chú Năm, nhà thì cho xã mượn làm trường học, năm công ruộng trả lại cho chi bộ, hai công mía để dành giỗ ba má, bàn thờ ba má gửi sang chú Năm. Chiến đã chứng tỏ sự trưởng thành đầy tinh thần trách nhiệm của người em đối với chị, của người chị đối với em, của thế hệ đi sau với thế hệ đi trước.

Tình yêu gia đình, quê hương đất nước:

–          Khát khao được đi bộ đội: Chiến và Việt cùng giành nhau đi bộ đội để trả thù cho ba má.

–         Kiên cường, bất khuất: Lời nói thốt ra lúc bình thường cũng trở thành lời thề thiêng liêng với gia đình, núi sông (“Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”)

b. Nhân vật Việt

Việt chưa đến mười tám tuổi, tính cách vô tự, vô lo của một cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn.

  • Việt hay so bì, tranh giành với chị: giành đi bộ đội với chị; so cao, thấp với chị.
  • Đi bộ đội, xông trận giết giặc thì không sợ nhưng lại sợ “con ma cụt đầu” và “thằng chỏng thụt lưỡi”.
  • Đêm trước ngày ra đi, Chiến nói với em những lời nghiêm trang còn Việt lúc “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, lúc lại rình “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay”, “rồi ngủ quên lúc nào không biết”.

Việt cũng gắn bó với gia đình sâu sắc:

  • Đi bộ đội, bị thương, ngất đi tỉnh lại đến bốn lần, lần nào tỉnh dậy, hình ảnh những người thân (ông nội, ba má, chú Năm, chị Chiến, …) cũng hiện lên trong kí ức của Việt.
  • Đặc biệt là hình ảnh của má: Trong đêm cuối ở nhà trước khi đi bộ đội, Việt thấy chị Chiến giống in má và anh có cảm tưởng hình như má đang về đâu đây. Nằm giữa chiến trường nhưng Việt “ước gì bây giờ lại được gặp má” rồi hình ảnh má bơi xuồng, xoa đầu Việt, lấy cơm cho Việt ăn luôn ẩn hiện trong tâm trí của Việt.
  • Hình ảnh của chị Chiến cũng hiện lên gần gũi và thân thương. Việt nhớ như in từng tiếng nói đến cách sắp đặt việc nhà, nhớ cả cái cựa mình khi chị nằm trên giường đến cả cái “hứ một cái “cóc”” của chị…

Việt là một người anh hùng, kiên cường, bất khuất:

  • Tranh đi bộ đội với chị cũng vì quyết tâm trả thì cho ba má.
  • Hạ được một xe bọc thép của địch.
  • Ra trận, lạc đồng đội và bị thương nặng (cả người bị thương, chín ngón tay không cử động được, đôi mắt không thấy đường…) nhưng khi nghe tiếng súng của quân ta thì “Việt ngóc đầu dậy”, “muốn reo lên” “chuẩn bị lựu đạn để xung phong”, còn một ngón tay cái cử động được “vẫn sẵn sàng nổ súng”…

Đức tính khiêm tốn: Sau khi hồi phục, anh Tánh giục Việt viết thư cho chị Chiến để kể về thành tích của mình, nhưng Việt không muốn kể về chiến công vì thấy chưa thấm gì so với thành tích của đơn vị và những ước mong của má.

Hình ảnh Việt cùng chị khiêng bàn thờ ba má sang gửi bên nhà chú Năm đã cho thấy sự trưởng thành của Việt: “Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”. Hình ảnh này có ý nghĩa tượng trựng thể hiện sự trưởng thành của hai chi em có thể gánh vác việc gia đình và viết tiếp khúc sông của mình trong dòng sông truyền thống gia đình.

⟹ Việt và Chiến mang trong mình vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ: trẻ trung, gan dạ, đáng yêu nhưng cũng rất mực anh hùng dũng cảm. Họ đã tiếp nối và làm rạng rỡ truyền thống đánh giặc cứu nước của gia đình và đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Thi đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng trong thời đại đánh Mĩ.

4. Câu 4 SGK Ngữ văn 12 – Tập 2 – Hướng dẫn đọc bài

Phân tích những biểu hiện của khuynh hướng sử thi trong đoạn trích này.

Trả lời:

Câu chuyện xoay quanh số phận những con người trong một gia đình ở Nam Bộ, đặc biệt là số phận hai người con của gia đình ấy: Chiến và Việt. Nhưng đọc tác phẩm ta nhận thấy một điều rằng, số phận các nhân vật gắn bó mật thiết với những giai đoạn lịch sử của đất nước.

Mối quan hệ hữu cơ ấy thể hiện rất rõ qua hai nhân vật Chiến và Việt. Hai chị em cùng xung phong “tranh nhau” lên đường chiến đấu. Đó là khí thế sôi nổi chung của thời đại chúng ta, thanh niên không khát khao gì hơn là rời bút nghiên để lên đường chống Mỹ. Tham gia kháng chiến, hai chị em, đặc biệt là Việt chiến đấu vô cùng anh dũng, quả cảm xứng đáng là người anh hùng của dân tộc, của thời đại.

5. Câu 5 SGK Ngữ văn 12 – Tập 2 – Hướng dẫn đọc bài

Đối với anh (chị), đoạn văn nào cảm động nhất ? Vì sao ?

Trả lời:

Đoạn văn cảm động nhất là đoạn văn tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ sang gửi nhà Chú Năm:

“Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bình bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai.”

  • Đoạn văn cho thấy Việt ý thức đời sống tâm linh sâu sắc: Đó cũng là cách thức lưu giữ truyền thống của dòng tộc, tổ tiên. Việt bộc lộ tình yêu đối với má và chị Chiến thật sâu đậm. Việt thể hiện lòng căm thù giặc vô cùng, ý chí quyết tâm giết giặc trả thù cho ba má và niềm tin vào ngày mai chiến thắng.
  • Ý nghĩa: Đoạn văn ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ: Chính tình yêu thương gia đình hòa quyện cùng lòng căm thù giặc sâu sắc và quyết tâm đánh giặc trả thù nhà đền nợ nước, chính truyền thống gia đình gắn bó với truyền thống dân tộc đã góp phần làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh chống giặc giữ nước.

IV.  Soạn bài Những đứa con trong gia đình: Phần Luyện tập

1. Câu 1 SGK Ngữ văn 12 – Tập 2 – Luyện tập

Phân tích đối thoại giữa Chiến và Việt đêm trước ngày nhập ngũ. Tâm lý và tính cách của mỗi nhân vật thể hiện như thế nào qua đoạn đối thoại này ?

Trả lời:

Đoạn văn miêu tả cuộc đối thoại giữa Chiến và Việt đêm trước ngày lên đường là một đoạn văn đặc sắc, thể hiện sinh động tính cách và cá tính của nhân vật. Cùng rất thương má, cùng mang nặng mối thù của má, cùng háo hức được cầm súng giết giặc trả thù nhà, nhưng qua đối thoại, mỗi nhân vật lại thể hiện sự khác biết rõ nét về tính cách của mình. Sự khác biết đó được quy định bởi giới tính, tâm lý, vị trí, vai trò trong gia đình. Tuy cả hai đều cũng co những nét phẩm cách của trẻ con, nhưng Chiến tỏ ra đã là người lớn, có thể lo toan thu xếp việc nhà, còn Việt vấn hết sức vô tư.

2. Câu 2 SGK Ngữ văn 12 – Tập 2 – Luyện tập

Tìm đọc trọn vẹn tác phẩm

Trả lời:

Tự đọc

chúc các bạn học tốt bài Soạn bài Những đứa con trong gia đình

Biên Tập_ Dân Khối C

Tham khảo thêm:

Tóm tắt Những đứa con trong gia đình

Related Posts

About The Author

Add Comment