Bài thơ Thương vợ – Tú Xương

Tác giả Trần Tế Xương với phong cách độc đáo: cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc, kết hợp giữa trữ tình và trào phúng, tác phẩm Thương vợ. Hiểu về hình ảnh người vợ tần tảo, đảm đang, giàu đức hi sinh và ân tình sâu nặng cùng tiếng cười tự trào của Tú Xương. Qua đó yêu mến, kính trọng đức hi sinh của người vợ, người mẹ Việt Nam.

Văn bản 

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!

I. Khái quát tác giả và tác phẩm

1. Tác giả Trần Tế Xương

Tác giả Trần Tế Xương

1.1.Vài nét tiểu sử tác giả Trần Tế Xương

Trần Tế Xương (5/9/1870 – 29/1/1907), thường gọi là Tú Xương, tên thật là Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, có lúc đổi là Trần Cao Xương.

Quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc (nay thuộc phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định.

Ông học sớm, mới 15 tuổi đã đi thị Hương nhưng không đậu, mãi đến khoa Giáp Ngọ (1894) mới đậu Tú tài. Tú Xương tiếp tục thi Cử nhân nhưng khoa nào cũng trượt.

1.2. Sự nghiệp

Sáng tác của Trần Tế Xương được truyền tụng trong dân chúng quanh vùng, sau mới được sưu tập lại, khoảng 100 bài.

Tác phẩm của ông chủ yếu là chữ Nôm, viết bằng các thế thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát và song thất lục bát

Hai mảng phong cách được thể hiện rõ trong thơ Tú xương là trào phúng và trữ tình,

Thơ Đường luật của Trần Tế Xương có sự cách tân độc đáo: dùng thể thơ trang nhã, có tính quy phạm để làm “vè” châm biếm những nhân vật bí ổi những sự kiện nhơ nhuốc, chướng tai gai mắt.

Tính thời sự được thể hiện khá rõ nét trong thơ ông với những hình ảnh người thật việc thật, những sự việc đang diễn ra trong xóm ngoài phường.

1.3. Hoàn cảnh xã hội và thơ Tú Xương.

Trần Tế Xương sống trong buổi đầu chuyển giao từ xã hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến. Thơ ông in đậm đời sống xã hội thị dân, thể hiện sâu sắc những lối sống và sự ra đời của một lớp người mới, pha tạp, nhố nhăng, bất ổn.

Thế giới nhân vật trong thơ Tú Xương là những ông Huyện, ông Phủ, ông. Đốc, ông Đội, ông Cử, cậu ấm mà phần nhiều đã biến chất, biến dạng.

Trần Tế Xương đứng giữa dòng văn hoá truyền thống và phương Tây mới mẻ, giữa “bút lông” và “bút chì”, bâng khuâng giữa lối học đèn sách ngàn xưa với ý thức của một nhà Nho kiên quyết không chấp nhận sản phẩm mới, hoặc có phương diện nào đó muốn dung hoà nhưng trước sau vẫn không hoà nhập được.

Những cảnh đời, những con người, sản phẩm của cái xã hội “nữa Tây, nữa ta” được tái hiện lên thật nhếch nhác, thảm hại và quái gở dưới ngòi bút trào phúng bậc thầy của Trần Tế Xương.

2. Tác phẩm Thương vợ

2.1. Hoàn cảnh sáng tác

Bà Tú tên Phạm Thị Mẫn là một người vợ hiền thục, đảm đang, tần tảo lo cho cuộc sống của chồng con, có một thời bà buôn gạo để nuôi sống gia đình.

Tú Xương đã thể hiện lòng tri ân vợ với nhiều sáng tác độc đáo.

Trong văn học Trung đại ít thấy việc người chồng thể hiện tình cảm trực tiếp với vợ, thế nhưng Trần Tế Xương thì khác, ông có hắn một mảng để tài viết về bà Tú gồm cả thơ, văn tế và câu đối. Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động.

2.2. Thể loại

Thất ngôn bát cú đường luật thể bằng

2.3. Giọng đọc

Chú ý giọng điệu vừa hóm hỉnh vừa thương xót, trân trọng và ngợi ca, vừa tự trào bực bội, cay đắng (2 câu cuối )

2.4. Bố cục

Cách chia 1: theo kết cấu thơ Đường luật thất ngôn bát cú: đề – thực – luận – kết

Cách chia 2: theo mạch ý cụ thể trong bài ( 6 câu đầu – chân dung bà Tú, 2 câu cuối – thái độ trực tiếp của ông Tú)

II. Tìm hiểu Bài thơ Thương vợ

Bài thơ Thương vợ 02

1. Hai câu đề

Kể về công việc làm ăn và gánh nặng mà bà Tù phải đảm đang:

  • Công việc “buôn bán
  • Thời gian “quanh năm”: Liên tục, khép kín, năm nọ tiếp năm kia không ngừng nghỉ
  • Địa điểm “mom sông”: Mỏm đất nhô ra ngoài sông gợi sự bấp bênh, chật hẹp, nguy hiểm.
  • Nuôi đủ: Đảm đang, tháo vát
  • Nghệ thuật tiểu đối năm con >< một chồng:

                   Chồng đặt ngang hàng với con

                   Gánh nặng đức ông chồng bằng cả bầy con.

→ Giọng điệu: hóm hỉnh, tự trào, tự chế giễu mình ăn lương vợ

→ Tiểu kết: Giới thiệu được nỗi vất vả, gian truân của bà Tú, đồng thời cho thấy sự tháo vát, đảm

đang của bà và tấm lòng yêu thương, tri ân vợ của Tú Xương.

2. Hai câu thực

Đặc tả cảnh làm ăn vất vả để mưu sinh của bà Tú:

Nghệ thuật ẩn dụ: Thân cò

→ hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé, lam lũ, vất vả

Phép đảo ngữ: lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước

→ sự trắc trở, gian truân, gập ghềnh trong công việc

– Sử dụng từ ngữ gợi cảm: lặn lội, eo sèo

Lặn lội: vất vả, tất tả, nhọc nhằn

Eo sèo: kì kèo, lời qua tiếng lại

Nghệ thuật đối: thân cò >< quãng vắng, buổi đò đông

→ Gợi cả không gian và thời gian: heo hút, rợn ngợp, chứa đầy lo âu, nguy hiểm

→ Tiểu kết:

Nổi bật sự gian truân, vất vả, đơn chiếc bươn chải, vật lộn, chen chúc làm ăn.

Tấm lòng đầy xót xa, thương cảm và tự trách mình của ông Tú.

3. Hai câu luận

Thành ngữ dân gian: Một duyên hai nợ, năm nắng mười mưa

→ Nhấn mạnh nỗi vất vả, nhọc nhằn của bà Tú.

Cách sử dụng số đếm: một – hai, năm – mười

→ Sự vất vả khổ sở tăng lên bao nhiêu thì sự cố gắng vươn lên lại gấp bội.

→ Tiểu kết:

Bà Tú – chân dung điển hình của người phụ nữ Việt Nam: tần tảo, chịu thương, chịu khó, luôn hết lòng hy sinh, chịu đựng vì chồng vì con.

Tấm lòng yêu thương, cảm phục và trân trọng hết đỗi của ông Tú đối với vợ.

4. Hai câu kết

Chửi “thói đời”

→ Định kiến khắt khe khiến ông không thể nào cùng san sẻ gánh nặng gia đình cùng vợ.

Chửi mình: “bạc bẽo”, “hờ hững”:

→ Trong trách nhiệm và vai trò của người chồng với thái độ tự lên án, tự phán xét mình.

→ Tiểu kết:

Tiếng chửi là đỉnh điểm của cảm xúc, thể hiện nỗi phẫn uất, đau đời,giận mình. Bộc lộ tấm tình chân thật của người chồng với vợ.

Lên án lễ giáo phong kiến kìm kẹp người phụ nữ. Đồng thời là tấm lòng thương xót, đầy ăn năn của tác giả với vợ, với những người phụ nữ nói chung.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

  • Bài thơ vừa chặt chẽ về thi luật, vừa tự nhiên như một dòng tâm tình trôi chảy.
  • Làm mới lại thi liệu của văn học dân gian để bài thơ trở nên gần gũi và dễ nhớ.

2. Nội dung

  • Về hình tượng: bài thơ đã xây dựng thành công hình ảnh bà Tú như một biểu tượng đẹp đẽ của người vợ Việt Nam.
  • Về cảm xúc: bộc lộ tấm lòng yêu thương sâu sắc của tác giả đối với người vợ hiền,cùng với tiếng lòng ấy là nỗi đau đời của nhà thơ.

Chúc các bạn học tốt Bài thơ Thương vợ

Biên Tập_ Dân Khối C

Related Posts

About The Author

Add Comment