Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu

I. Khái quát tác giả và tác phẩm

1. Tác giả Nguyễn Đình Chiểu

1.1. Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu 

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1868), cha là Nguyễn Đình Huy, vốn người làng Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, huyện Bình Dương, Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh).

Nguyễn Đình Chiểu ra đời ở quê mẹ, đỗ tú tài năm 1843, sau đó ông ra Huế để học thêm chờ khoa thi tiếp. Đột ngột, mẹ ông qua đời. Bao vất vả trên đường về khiển ông lâm bệnh và bị mù.

Hết tang mẹ, ông mở lớp dạy học ở Gia Định, từ đó mọi người gọi ông là Đồ Chiểu. Ngoài việc dạy học, ông còn làm thuốc chữa bệnh.

Năm 1859 giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu chạy giặc về quê vợ ở Cần Giuộc. Ba tỉnh miền Đông Nam Bộ bị chiếm, ông lánh vẻ Ba Trí thuộc tỉnh Bến Tre. Ông vẫn tiếp tục dạy học, làm thuốc, viết văn và thường xuyên liên lạc với những sĩ phu yêu nước.

1.2. Nội dung thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu mang tính chiến đấu cao. Ông đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật bằng thơ nổi tiếng:

Chớ bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. (Dương Từ – Hà Mậu)

Năm 1861, giặc Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, Gò Công, Định Tường, ông chuyển về sống tại Ba Tri, Bến Tre. Ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn cho đến cuối đời

Vì mù, không thể cầm gươm, cầm giáo, Nguyễn Đình Chiểu đánh giặc bằng ngòi bút. Ông trao đổi thư từ với Trương Định, liên hệ với nhiều sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ như Nguyễn Thông, Phan Văn Trị… Tuy không sinh ra ở đất Bến Tre, nhưng hơn một phần tư thế kỷ sống và lao động nghệ thuật cản mẫn, cứu người giúp đời, gắn bó chặt chẽ với nhân dân Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu có một uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong đồng bào Bến Tre về phương diện nhân cách, tư tưởng, văn chương.

Ông là người mở đầu cho dòng văn chương yêu nước Việt Nam chống Pháp xâm lược ở nửa sau thế kỷ XIX.

Thơ văn ông gắn chặt với những biến cố lớn lao của đất nước lúc bấy giờ. Đó là Chạy Tây (1859), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), Mười hai bài thơ điếu Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1874) và hai tập truyện thơ dài Dương Từ, Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp.

Cảm hứng chủ đạo của thơ văn ông ở giai đoạn đầu là cảm hứng đạo đức, nhân nghĩa, ngợi ca con người đức hạnh, sống theo tinh thần nhân nghĩa của. Nho giáo nhưng mang đậm tính nhân dân và truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng giàu chất phê phán, phẫn nộ trước mọi điều bất nhân, bất nghĩa như ông đã tự bạch: “Nói ra thì nước mắt trào, Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi”.

Ở giai đoạn sau – thời kì đất nước bị xâm lăng – tiếng thơ ông là “những trang bất hủ ngợi ca cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống xâm lược phương Tây ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta” (Phạm Văn Đồng). Người nghĩa dân, nghĩa sĩ chống Pháp và người sĩ phu “theo bụng dân” chiến đấu cho đại cuộc của dân tộc là những hình ảnh sáng chói trong thơ văn ông. Hai nội dung chính trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ở giai đoạn này là:

Khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta.

Nhiệt liệt biểu dương những anh hùng nghĩa sĩ đã chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc.

Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bồi đắp tâm hồn dân tộc, nâng vị trí của văn học miền Nam lên ngang tầm văn học cả nước. Ông là người kết thúc một cách rực rỡ văn học của giai đoạn trước đó và mở đầu cho dòng văn chương yêu nước chống xâm lược.

1.3. Nghệ thuật thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Sáng tác của ông gồm nhiều thể loại, thể tài, trong đó thành công nghệ thuật nổi bật nhất là truyện thơ Nôm và văn tế Nôm.

Ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu tính nhân dân cùng những hình tượng nhân vật sinh động trong nhiều thể loại, khiến cho ngòi bút của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam.

2. Tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc 04

2.1. Hoàn cảnh sáng tác

  • Bối cảnh lịch sử của quốc gia: Trong những năm 1861 – 1862, cả nước và đặc trưng là nhân dân
  • Nam Bộ sục sôi quyết tâm đứng lên chống giặc ngoại xâm – thực dân Pháp xâm lược.
  • Tác phẩm được Nguyễn Đình Chiểu viết nhân sự kiện ngày 16 – 02 – 1861 tại đồn Cần Giuộc, do căm thù trước sự mọi rợ, tàn bạo của thực dân Pháp, nghĩa quân nông dân đã cùng nhau nổi dậy đột kích pháo đài. Tuy nhiên, do lực lượng và vũ khí chênh lệch quá lớn nên gần 20 liệt sĩ đã hy sinh trong trận này. Nguyễn Đình Chiếu nhận lệnh của phủ Gia Định viết bài văn tế đọc trong lễ truy điệu các liệt sĩ.

2.2. Thể loại của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Thể loại: Văn tế

  • Loại văn này gắn với việc tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương với người đã mất
  • Văn tế bao gồm hai nội dung cơ bản: Kể vắn tắt cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, … của người đã khuất và bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã khuất ấy.
  • Giọng điệu của văn tế thường lâm li, thống thiết, sử dụng nhiều từ ngữ có giá trị biểu cảm mạnh.
  • Một số bài văn tế nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam: Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu.
  • Bố cục của một bài văn tế có bốn phần, đó là: lung khởi, thích thực, ai vãn, kết.

2.3. Bố cục của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Bố cục gồm 4 phần chính: 

  • Phần 1 – Lung khởi: Khái quát bối cảnh thời đại và khẳng định ý nghĩa cái chết của người nghĩa binh nông dân
  • Phần 2 – Thích thực: miêu tả hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ qua các giai đoạn lao động vất vả tới lúc thành dũng sĩ đánh giặc, lập công
  • Phần 3 – Ai vãn: Niềm đau xót, tiếc thương, cảm phục của tác giả và nhân dân với người nghĩa sĩ
  • Phần 4 – Kết: ngợi ca linh hồn bất tử của nghĩa sĩ

2.4. Giọng đọc của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Chú ý cách ngắt nhịp đúng theo các dấu câu, các câu tứ tự, song quan, gối hạc (hạc tất); kết hợp giọng cảm thương với giọng hùng tráng với giọng căm hận, khẩn trương, phấn chấn, ngạc nhiên, sững sờ, đau đớn, xót xa, tiếc nuối, trang trọng, ngợi ca, trầm ngâm, nghĩ ngợi, đanh thép như lời thề, … tùy theo từng đoạn từng câu.

  • Đoạn 1: Giọng trang trọng
  • Đoạn 2: Từ trầm lắng khi hồi tưởng chuyển sang hào hứng, sảng khoái khi kể lại chiến công.
  • Đoạn 3: Trầm buồn, sâu lắng, xót xa,đau đớn.
  • Đoạn 4: Thành kính, trang nghiêm.

II. Đọc – hiểu tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

1. Lung khởi (mở đầu: câu 1 – 2)

Than ôi! Khi tiếng súng của giặc Pháp đang vang rền trên đất nước quê hương thì tấm lòng của nhân dân sáng tỏ đến tận trời (chỉ có trời mới thấu tỏ lòng dân). Công lao mười năm vỡ đất, làm ruộng dù rất to lớn (danh nổi như phao) cũng chẳng bằng một trận đánh tây vì nghĩa lớn, tuy thất bại nhưng tiếng tăm vang dội (vang như mõ).

Mở đầu là câu tứ tự 4/4, tạo ra các đối lập từ hình thức đến nội dung:

  • Đối lập bằng – trắc: T T T B – B B B T
  • Đối lập từ loại: D D D Đ – D D D Đ.
  • Đối lập ý nghĩa: súng – lòng; giặc – dân – trời; rền – tỏ
  • Từ những đối lập, gay gắt, quyết liệt ấy, tác giả muốn thể hiện: Khung cảnh bão táp của thời đại, xã hội Việt Nam đầu những năm 60 thế kỉ XIX. Biến cố chính lớn lao, trọng đại chi phối toàn bộ thời cuộc là cuộc đụng độ giữa thế lực xâm lược của thực dân Pháp (súng giặc) và ý chí bất khuất bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam (lòng dân).

Không gian vũ trụ rộng lớn: trời – đất; các động từ rền – tỏ gợi sự khuếch tán âm thanh, sự rực rỡ của ánh sáng.

Ý nghĩa trận chiến đấu tuy thất bại, người chiến sĩ tuy hi sinh nhưng tiếng thơm, thanh danh còn vang vọng mãi mãi.

Tất cả hợp thành bệ đỡ vững chắc cho bức tượng đài hoành tráng những nghĩa sĩ Cần Giuộc được đắp ở đoạn tiếp theo.

→ Tác giả khái quát khung cảnh bão táp của thời đại và tấm lòng sẵn sàng hi sinh vì nghĩa của người nông dân. Cách dùng từ và lối so sánh mộc mạc, giản dị trong câu văn biền ngẫu đối xứng đã khẳng định ý nghĩa cao quý của sự hi sinh trong chiến đấu chống Pháp của người dân lao động Nam Bộ.

2. Thích thực: Hình tượng những nông dân – nghĩa sĩ Cần Giuộc anh hùng

Trước khi thành nghĩa quân đánh giặc, họ là những người nông dân nghèo khổ, những dân ấp, dân lân bỏ quê đi khai khẩn những vùng đất mới đề kiếm sống.

Từ cui cút: mồ côi mồ cút không chỉ thể hiện hoàn cảnh sống cô đơn, thiếu người tựa nương, dựa dẫm mà còn thể hiện biết bao yêu thương của tác giả.

Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh việc quen (đồng ruộng) và chưa quen (chiến trận, quân sự) của những người nông dân Nam Bộ để tạo sự đối lập tầm vóc anh hùng trong đoạn sau.

Biến cố quan trọng bậc nhất lúc ấy là quân giặc tới xâm lăng mảnh đất quê hương họ. Nhưng vua quan triều đình lại bạc nhược, ươn hèn chủ hoà, để cho họ trông đợi tin tức mỏi mòn mà thất vọng như trời hạn trông mưa.

Nông dân vốn ghét cỏ dại vô cùng. Họ ghét sự hèn mạt của triều đình, vua quan (thói mọi) cũng như thế.

Lòng căm thù của người dân Cần Giuộc được diễn tả bằng những hình ảnh cường điệu hết sức mạnh mẽ mà chân thực, đậm sắc thái Nam Bộ: bòng bong (lều dù trắng) che trắng lốp – ống khói tàu Pháp chạy đen sì: muốn ăn gan, cắn cổ.

Vì độc lập và thống nhất của Tổ quốc, họ không bao giờ dung tha, quyết không đội trời chung với giặc – lũ lừa đối, bịp bợm (thành ngữ treo đầu dê bán thịt chó).

Đoạn văn gợi nhớ những câu nổi tiếng trong Hịch tướng sĩĐại cáo bình Ngô viết về lòng căm thù giặc Nguyên – Mông, giặc Minh:

  • Ta thường tới bữa quên ăn …
  • Ngẫm thù lớn há đội trời chung …

Chính vì vậy mà những người nông dân Cần Giuộc đã mến nghĩa làm quân chiêu mộ hoàn toàn tự giác, tự nguyện: chuyến này xin, nào đợi ai đòi, ai bắt; chẳng thèm trốn ngược xuôi, chuyến này dốc …

Một lần nữa tác giả lại nhấn mạnh việc bất đắc dĩ phải chiến đấu, phải làm việc chưa quen của nghĩa quân: Vốn chẳng phải… chẳng qua là, nào đợi, không chờ…

Hình ảnh người nông dân – nghĩa sĩ Cần Giuộc được phác vẽ thật giản dị, bức chân dung thật độc đáo: một ngọn tầm vông – một manh áo vải, một lưỡi dao phay, một mồi rơm con cúi (giải thích) … đã đi vào lịch sử.

Với trang bị như vậy mà họ vẫn lập chiến công: đốt nhà thờ (dạy đạo Thiên Chúa), chém rớt đầu quan hai Pháp.

Bút pháp hiện thực, đậm sắc thái Nam Bộ.

Hình ảnh người nghĩa sĩ – nông dân đã được chọn lọc miêu tả bằng những chi tiết rất khái quát, tiêu biểu, trở thành hình ảnh truyền thống anh hùng bất khuất của nhân dân Nam Bộ …

hiện, tác dụng của các động từ mạnh, phép đối. nhịp văn, màu sắc Nam Bộ….

Hình ảnh người nông dân – nghĩa sĩ Cần Giuộc anh hùng được khắc nổi trên nền một trận công đồn đẩy khí thế tiến công.

Hệ thống động từ mạnh: đạp, lướt, xô, xông, liều, đâm, chém, hè, ó, …

Các cụm từ vừa diễn tả tinh thần, khí thế, vừa diễn tả sức mạnh: lướt tới – xô cửa xông vào – đâm ngang chém ngược

Phép đối được sử dụng đậm đặc, triệt để: hè trước/ó sau, nhỏ/to, ngang/ngược, trước/sau, đạn nhỏ, đạn to, tàu sắt tàu đồng/ manh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, rơm con cúi… Hiệu quả nghệ thuật: tạo nhịp điệu đoạn văn nhanh, mạnh, dứt khoát, sôi nổi, góp phần tái hiện trận công đồn của nghĩa quân Cần Giuộc rất khẩn trương, ác liệt, sôi động và đầy hào hứng.

Về nội dung tư tưởng: họ khác hẳn người lính trong bài ca dao lính thú thời xưa: đủ cả trang bị vũ khí mà bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa, Bởi người lính thú chỉ chiến đấu cho vua, chúa, vì quyền lợi của vua chúa và giai cấp thống trị. Còn những nghĩa sĩ Cần Giuộc đã chiến đấu với tỉnh thần thà chết cho tấc đất ngọn rau sông nước quê hương. Cuộc chiến đấu và hi sinh có mục đích sáng ngời chính nghĩa và rất rõ ràng.

Về nghệ thuật: Những đoạn văn tả cảnh chiến đấu trong Phú sông Bạch Đằng, nhất là trong Bình Ngô đại cáo đều rất hay, rất hùng tráng, nhưng bút pháp vẫn thiên về ước lệ, phóng đại và tượng trưng. Nguyễn Đình Chiểu dường như đã thoát ra khỏi truyền thống nghệ thuật đó. Ông miêu tả hình ảnh những nghĩa sĩ nông dân trong trận đánh đêm rằm toàn bằng những chỉ tiết thực được cô đúc, chọn thẳng từ thực tế nóng bỏng đang còn tươi ròng sự sống, lại có tầm khái quát cao, không sa vào vụn vặt, tản mạn. Hình ảnh người anh hùng nông dân áo vải Gia Định lồng trong hình đất nước đau thương:

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng

(Nguyễn Đình Thi)

Tóm lại, đây là một trong những đoạn văn hay nhất, xuất sắc nhất trong bài văn tế. Khám phá sáng tạo về nghệ thuật, sâu sắc và mới mẻ về tư tưởng đều thể hiện hài hoà. Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam người nông dân nghèo khổ vụt đứng lên trở thành người anh hùng chiến đấu, hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc – người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nam Bộ Việt Nam được khắc họa như bức tượng đài hoành tráng, vĩ đại .

Thế nhưng, bên cạnh hình tượng người nghĩa quân, bài văn tế còn rất thành công bởi hình tượng tác giả và nhân dân với tình cảm thương tiếc và ngợi ca những con em anh hùng của mình.

3. Ai vãn – Bày tỏ nỗi tiếc thương của tác giả và nhân dân với các liệt sĩ

Bút pháp đoạn văn này chủ yếu là trữ tình thống thiết.

Tiếng khóc, giọt lệ xót thương đau đớn ở đây là của tác giả, của gia đình thân quyến người anh hùng, của nhân dân Nam Bộ, nhân dân cả nước. Bởi vậy, đây là tiếng khóc lớn, tiếng khóc chung, tiếng khóc vĩ đại.

Cộng hưởng với hình ảnh thiên nhiên và con người: Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng: mẹ già khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều, não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ; chợ Trường Bình già trẻ hai hàng luy nhỏ…

Xót thương, tiếc hận những người hi sinh khi sự nghiệp còn dang dở, chưa

thành (lòng nghĩa lâu dùng, xác phàm vộ bỏ)

Những người thân đau đớn vì tổn thất không thể bù đắp.

Lòng căm hờn quân giặc và triều đình gây nghịch cảnh éo le…

Nhiều cảm xúc, tình cảm cộng lại thành nỗi đau sâu nặng (nước mắt lau chẳng ráo), từ trong lòng người đến bao trùm thiên nhiên cây cỏ: sông Cần Giuộc, chợ Trường Bình, chùa Tông Thạnh, Bến Nghé, Đồng Nai… tất cả đều nhuốm màu tang thương.

Tiếng khóc lớn của Nguyễn Đình Chiểu đau thương mà không hề bi lụy bởi vì nó tràn đầy niềm tự hào, kính phục và ngợi ca những người nông dân áo vải đã chiến đấu và hi sinh cho Tổ quốc. Không chỉ thế, tiếng khóc không chỉ mang ý nghĩa riêng tự mà tác giả thay mặt nhân dân cả nước khóc thương và biểu dương công trạng của những anh hùng. Tiếng khóc không chỉ gợi nỗi đau thương, hướng về cái chết mà còn hướng về cuộc sống hiện tại, về đất nước đau thương đang đứng trước làn sóng xâm lăng của thực dân Pháp, Tiếng khóc không chỉ gợi nỗi đau thương mà khích lệ lòng căm thù và ý chí tiếp nối sự nghiệp dở dang của nghĩa sĩ.

Đặc biệt, tác giả đưa ra một quan niệm – như một chân lí mà có thể tóm tắt bằng câu: thà chết vinh còn hơn là sống nhục.

Thác (chết) như những nghĩa quân Cần Giuộc là cái chết trả nợ nước non, là cái chết vẻ vang danh thơm đồn kháp lục tỉnh, là cái chết được tôn vinh, bất tử đời đời.

Đối lập với cái sống bán nước cầu vinh, cam tâm làm nô lệ cho ngoại bang, chà đạp lên bàn thờ, tổ tiên, … đó là cái lối sống tầm thường, hèn mạt, đáng xấu hổ, nhục nhã.

Với tác giả, sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc. Linh hồn của những nghĩa quân Cần Giuộc vẫn cùng cháu con đánh giặc, cái chết của họ góp phần khích lệ tinh thần chiến đấu cho những người đang sống. Đó là quan niệm rất tiến bộ, phát huy từ truyền thống anh hùng bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

 Hạn chế thời đại của Nguyễn Đình Chiểu: nhà nho yêu nước trung quân: sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó. Đó cũng là lẽ tất nhiên. Có điều Nguyễn Đình Chiểu thờ vua mà không ngu trung, thờ vua mà vẫn cùng nhân dân đánh giặc cứu nước.

4. Đoạn kết – Ca ngợi linh hồn bất diệt của các liệt sĩ

Trở lại hiện thực, khóc thương và ngợi ca tấm lòng thiên dân của nghĩa sĩ. Nước mắt khóc anh hùng lau mãi không khô. Cảm thương nhân dân đang phải khổ đau; thắp nén hương thơm tưởng nhớ người vừa khuất lại chạnh lòng nghĩ đến nước non (vương thổ) đang bị ngoại xâm giày xéo.

III. Tổng kết

1. Giá trị nghệ thuật

Thành tựu xuất sắc về xây dựng nhân vật (hình tượng tập thể nghĩa quân nông dân anh hùng lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam); kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp trữ tình và bút pháp hiện thực; ngôn ngữ bình dị, trong sáng, đậm sắc thái Nam Bộ: bài văn tế hay nhất, một trong những kiệt tác của văn học Việt Nam.

2. Giá trị nội dung

Tiếng khóc bi tráng một thời khổ đau nhưng vĩ đại của dân tộc; bức tượng đài bất tử về những nghĩa sĩ – nông dân Cần Giuộc đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc.

Chúc các bạn học tốt Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Biên Tập_ Dân Khối C

Related Posts

About The Author

Add Comment