Tự tình (II) – Ngữ văn lớp 11

Văn bản

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám.

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!

I. Khái quát tác giả và tác phẩm 

1. Tác giả Hồ Xuân Hương

1.1. Vài nét tiểu sử của tác giả Hồ Xuân Hương

Theo truyền tụng, Hồ Xuân Hương là con gái của Hồ Phi Diễn, mt nhà nho nghèo, quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, bỏ quê ra dạy học ở Hải Dương, Kinh Bắc, lấy một cô gái họ Hà làm lẽ và sinh ra Hồ Xuân Hương.

Theo một nguồn tư liệu khác, liên quan đến việc phát hiện ra tập thơ Lưu hương kí, thì ông thân sinh ra bà lại là Hồ Sĩ Danh (1706-1783), đậu Cử nhân nhưng không ra làm quan.

Có thể gia đình bà có thời gian sống ở phường Khánh Xuân, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây, Thăng Long, sau chuyển đến thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương (nay ở khoảng phố Lí Quốc Sư, gần Hồ Gươm).

Bà có ngôi nhà, đặt tên là Cổ nguyệt (do chiết tự từ hồ thành hai chữ cổnguyệt), nằm bên Hồ Tây, là nơi gặp gỡ bạn bè văn nhân.

Nguồn tư liệu thư tịch do các nhà khoa học phát hiện cho biết bị từng làm vợ lẽ Trần Phúc Hiển, ông này có thời kì làm tri phủ Vĩnh Tường.

Một nguồn tư liệu khác ở Phú Thọ lại cho biết Tổng Cóc chính tên là Nguyễn Công Hoà, người huyện Lâm Thao, Hồ Xuân Hương có thời làm lẻ ông này.

Hồ Xuân Hương là người phụ nữ tài hoa, thông minh, sắc sảo, bà đi nhiều nơi, giao du rộng rãi nhưng cuộc đời tình duyên thì lại gặp quá nhiều nỗi tắc trở, cay đắng.

Cuộc đời và duyên phận éo le trắc trở (2 lần lấy lẽ Tổng Cóc và tri phủ Vĩnh Tường, cả hai lần chồng chết); cuối cùng sống cô đơn, du lãn khắp nơi và làm thơ để khuây khỏa và di dưỡng tính tình.

Được mệnh danh: Bà chúa thơ Nôm.

Tư tình - Hồ Xuân Hương

1.2. Sự nghiệp của Hồ Xuân Hương

Sự nghiệp sáng tác của Hồ Xuân Hương cũng được tập trung từ hai nguồn: nguồn truyền tụng và nguồn thư tịch.

Theo truyền tụng bà có gần 50 bài thơ Nôm.

Theo thư tịch bà còn có tập thơ Lưu hương kí (phát hiện năm 1964) gồm 24 bài thơ bằng chữ Hán và 26 bài thơ bằng chữ Nôm.

1.3. Phong cách của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX.

Sáng tác của Hồ Xuân Hương đã nêu bật những vấn để riêng tư, những nỗi bất công mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu đựng, nữ sĩ tin tưởng đấu tranh để bênh vực quyền lợi của người phụ nữ.

Hồ Xuân Hương ý thức rất rõ giá trị và vai trò của người phụ nữ: họ đẹp ở đạo đức; đẹp ở con người và về tài năng thì không kém gì đàn ông, chỉ vì xã hội phong kiến không chấp nhận nên họ không phát huy được những phẩm chất tốt đẹp đó.

Bên canh việc bênh vực, để cao người phụ nữ, Hồ Xuân Hương lớn tiếng đã kích tất cả những nhân vật tiêu biểu cho cái xấu, cái ác của xã hội phong kiến, từ đám sĩ tử, nhà sư đến bọn quan lại, những “hiền nhân quân tử” và trên tất cả là bọn vua chúa, Bà vạch trần lối sống đạo đức giả, trái tự nhiên của chúng.

Đến với Hồ Xuân Hương, thơ Nôm Trung đại đạt đến trình độ điển hình, Xuân Diệu tôn vinh nữ sĩ là “Bà Chúa Thơ Nôm’

Hồ Xuân Hương sáng tác theo thể thơ Đường luật, nhưng được dân tộc hoá cao độ Bà thành công trong việc đưa cuộc sống trần tục hàng ngày vào một thể thơ vốn đài cát, quý phái

Bà lợi dụng triệt để kết cấu chặt chẽ của bài thơ Đường luật, với những câu đối nhau để tạo những mâu thuẫn có tính chất trào phúng trong những bài thơ châm biếm đả kích.

Đặc biệt về phương diện ngôn ngữ, Hồ Xuân Hương có những sáng tạo và thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ hàng ngày để sáng tác thơ, trong việc học tập ca dao, tục ngữ, thành ngữ.

Hồ Xuân Hương khai thác triệt để khả năng tu từ phong phú của ngôn ngữ dân tộc, tìm ra những hệ thống kết cấu ngôn từ đột xuất, tạo nên một phong cách riêng hết sức độc đáo với những hàm nghĩa song quan thanh-tục trong hầu hết các bài thơ của mình.

Tư duy nghệ thuật của thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã đạt đến mức hiện đại.

Nhà thơ Bun-ga-ri, B. Đi-mi-trô-va viết về Hồ Xuân Hương: “Là một trong những hiện tượng độc đáo nhất không chỉ ở Việt Nam, mà ở trong toàn bộ cái nguồn thơ mà tôi được biết của nền  thơ thế giới qua tất cả các thời đại. Đó là nữ sĩ với cái tên Hương mùa Xuân. Khi tôi truyền cái độc đáo trong thơ, thì bạn bè. của tôi đã dừng lại trước cái tên này với một sự ngạc nhiên cao độ…”

2. Bài thơ Tự tình (II)

2.1. Thời điểm ra đời của bài thơ Tự tình II

Nếu bài thơ “Mời trầu” được Xuân Hương sáng tác ở giai đoạn đầu khi nữ sĩ mới bước vào đời sống duyên tình thì “Tự tình” có lẽ ra đời trong giai đoạn bà đã trải qua quá nhiều sóng gió của cuộc sống hôn nhân.

“Tự tình” (bài II) nằm trong chùm thơ tự tình gồm ba bài của Hỗ Xuân Hương.

2.2. Thể thơ – thể tài Bài thơ Tự tình II

Thất ngôn bát cú Đường luật thể bằng chữ Nôm. Thể tài tự tình: tự bày tỏ tâm trạng, cảm xúc, tình cảm của người viết trong một hoàn cảnh nào đó; gần gũi với các bài thuật hoài, ngôn hoài. 

2.3. Bố cục Bài thơ Tự tình II

4 liên: 2 câu để  –  2 câu thực – 2 câu luận – 2 câu kết 

2.4. Giọng điệu thơ

Chú ý cách ngắt nhịp 4/3; 2/2/3; câu 2: 1/3/3; nhấn giọng đúng mức các từ: văng vẳng, trơ, lại, xiên, đâm, lại, lại, tí con con; giọng điệu vừa não nùng vừa cười cợt, hóm hỉnh vừa cứng cỏi, thách thức. 

II. Tìm hiểu Bài thơ Tự tình (II)

1. Hai câu thơ đề – Cô đơn, bẽ bàng

Tự tình - Hai câu thơ đầu

Hai câu thơ đầu mở ra thời gian, không gian và hoàn cảnh mang tính bi kịch của nhân vật trữ tình.

Thời gian là đêm khuya, là một trong hàng ngàn đêm trắng Xuân Hương thao thức, trăn trở cho thân phận mình. Đêm khuya thanh vắng là lúc con người thường đối diện với chính mình, để xót thương, để tự vấn, để nhìn ngắm lại bản thân mình.

Thời gian trên vẽ ra không gian hoang vắng, tịch liêu, một người thiếu phụ đối diện với nước non nghìn trùng trong đêm vắng, chỉ có tiếng trống canh văng vẳng báo hiệu thời gian chậm trôi, người lắng nghe từng giọt buồn, gợi biết bao nỗi niềm cay đắng.

Câu thơ thư hai chuyên chở hai dấu hiệu tu từ của ngôn ngữ: nghệ thuật đảo ngữ và nghệ thuật đối.

  • Từ “trợ” được đưa ra đầu câu.
  • “Cái hồng nhan” >< “nước non”.

Cái cá thể trơ trọi trước cái vô cùng, cái rộng lớn. Cái nhất thời trước cái trường cửu vô biên.

Hai yếu tố nghệ thuật trên hô ứng với nhau nhằm nhấn mạnh nỗi niềm trơ trọi, trống không, cô đơn đến tận cùng của người phụ nữ trong bài thơ.

2. Hai câu thực – Xót xa, cay đắng

Tự tình - Xót xa, cay đắng

Người phụ nữ tìm hương rượu để che giấu nỗi buồn, Nhưng rượu cũng không đủ “dìm chết”, làm phai nhạt nỗi buồn. Nó chỉ làm hiển hiện một sự thức tỉnh chua xót. Đó cũng có thể là một cách nói để tô đậm sự tự ý thức chua chát về thân phận lẻ loi của mình.

Đêm khuya thao thức cũng là một đêm trăng tà: một vầng trăng tàn tạ, một vầng trăng khuyết. Từ cái vầng trăng xế bóng đó, phải chăng Hồ Xuân Hương muốn nói đến tuổi tác của mình. Đã qua cái thời xuân sắc nhưng duyên tình như trăng khuyết, mơ ước mãi nhưng chưa một lần tròn đầy.

Không cần mô tả nỗi đau về tuổi lỡ thời nhưng người đọc vẫn cảm nhận được nỗi đau xót ấy.

3. Hai câu luận – Nỗi phẫn uất và niềm khao khát hạnh phúc của nhà thơ

Bốn câu thơ đầu nhịp thơ đi chậm, buồn, hơi thơ chùng xuống nhưng đến câu 5, 6 nhịp đột ngột nhanh, mạnh, tứ thơ vút lên.

Nghệ thuật đảo ngữ tiếp tục được sử dụng rất linh hoạt (xiên ngang, đâm toạc).

Những động từ mạnh được đưa ra đầu câu (xiên, đâm).

Hồ Xuân Hương là một tính cách mạnh, ý thức về cái tôi cá nhân luôn hiện diện. Bà không cam chịu, từ ý thức phản kháng, nữ sĩ đã thể hiện những khát vọng tháo cũi sổ lồng, vượt thoát khỏi cái số phận hẩm hiu, lẻ mọn, phụ thuộc và bị động của riêng mình và cũng như biết bao số phận phụ nữ khác

Trong thơ xưa, rêu thường được miêu tả là rêu lan, rêu phong, đó là hình ảnh vốn mềm yếu. Núi cũng thường được khắc họa với dáng núi cheo leo, trập trùng trong tư thế tĩnh lặng.

Ở Hồ Xuân Hương thì khác, bà đã miêu tả rêu với một tư thế tấn công “xiên ngang mặt đất”, đã khắc họa núi trong một động tác phá hủy “đâm toạc chân mây”. Đó không phải là những hình của ngoại cảnh, mà là hình ảnh của tâm trạng, một tâm trạng bị dồn nén, muốn đập phá, muốn được giải thoát khỏi sự cô đơn, chán chường.

Cảm xúc và ý thức phản kháng của Hồ Xuân Hương đã đem lại cho cảnh sắc trong thơ bà trạng thái động bùng vỡ khác hẳn phong vị của thơ cổ.

4. Hai câu kết – Tâm trạng chán chường, buồn tủi của nhà thơ trước thực tại

Một Hồ Xuân Hương muốn bứt phá, muốn giải thoát, muốn vượt lên số phận nhưng có lẽ bà khó mà phá vỡ được cái thành trì kiên cố của những quan niệm phong kiến về người phụ nữ.

Kết thúc bài thơ, hơi thơ đột nhiên chùng xuống theo tiếng thở dài của thi nhân. “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại”.

Thời gian cứ vô tình lặng lẽ trôi, biết bao mùa xuân đến mang theo chút hi vọng mong manh rồi cũng qua đi, tuổi xuân của một đời con gái cũng lặng lẽ vơi đi, phôi pha cùng năm tháng

Tác giả đã dùng từ mảnh tình để nói cái tình bé như một mảnh vỡ. Thế nhưng mảnh tình ấy cũng không giữ nguyên vẹn được lại cứ phải san sẻ để chỉ còn lại “tí, con, con”.

Đó là tâm trạng ngao ngán, chán chường xuất phát từ sự không phù hợp giữa khát vọng tình yêu nồng thắm, son sắt với hiện thực lẽ mọn, hẩm hiu, lệ thuộc của bà.

III. Tổng kết 

1. Giá trị về nghệ thuật của bài thơ

Mặc dù vẫn tuân thủ những niêm, luật nhưng bài thơ đã thoát khỏi cái khuôn sáo của thơ Đường luật.

Giọng thơ, hồn thơ đã đổi mới, đổi mới trong việc dùng từ, trong mô tả cảnh vật, trong cảm xúc thẩm mĩ.

Tác giả chủ yếu sử dụng các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc, đường nét với sắc thái đặc tả mạnh (các động từ chỉ tình thái: dồn, trơ, xế, xiên ngang, đâm toạc..; các tính từ chỉ trạng thái: say, tỉnh, khuyết tròn…) để diễn tả những cảm nhận vẻ sự đời và số phận.

2. Nội dung Bài thơ Tự tình II

Bài thơ bày tỏ nỗi bất hạnh của người phụ nữ trong cảnh lẽ mọn với thực tế phũ phàng. Qua đó, tác giả phê phán chế độ đa thê trong xã hội phong kiến xưa → Tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Chúc các bạn học tốt Bài Tự tình (II)

Biên Tập_ Dân Khối C

Related Posts

About The Author

Add Comment