Bài ca ngắn đi trên bãi cát (Sa hành đoản ca) – Cao Bá Quát

Văn bản

Phiên âm

Trường sa phục trường sa

Nhất bộ nhất hồi khước.

Nhật nhập hành vị dĩ,

Khách tử lệ giao lạc.

Quân bất học tiên gia mỹ thụy ông,

Đăng sơn thiệp thuỷ oán hà cùng!

Cổ lại danh lợi nhân,

Bôn tẩu lộ đồ trung.

Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu,

Tỉnh giả thường thiểu, tuý giá đồng.

Trường sa, trường sa, nại cử hà?

Thản lộ mang mang úy lộ đa.

Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca.

Bắc sơn chi bắc, sơn vạn điệp,

Nam sơn chi nam, ba vạn cấp,

Quân hồ vi hồ sa thượng lập?

Dịch nghĩa

Bãi cát dài, lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước.

Mặt trời lặn mà vẫn còn đi.

Khách (trên đường) nước mắt lã chã rơi.

Anh không học được ông tiên có phép ngủ kĩ

Cứ trèo non lội nước mãi, bao giờ cho hết ta oán!

Xưa nay hạng người danh lợi,

Vẫn tất tả ở ngoài đường sá.

(Hễ) quán rượu ở đầu gió có rượu ngon,

(Thì) người tỉnh thường ít mà người say vô số!

Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?

Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,

Phía bắc núi Bắc núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam sống muôn đợt.

Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?

Dịch thơ

Bãi cát lại bãi cát dài,

Đi một bước như lùi một bước.

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.

Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người?

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

Anh đứng làm chi trên bãi cát?

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả Cao Bá Quát

Tác giả Cao Bá Quát

1.1. Tiểu sử Cao Bá Quát

Cao Bá Quát (1808 – 1855), tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), xuất thân trong một gia đình nhà nho có danh tiếng.

Cao Bá Quát là một người có tài năng, đức độ và lớn tên trong những mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bè bạn, quê hương, nhân dân, đất nước.

Là người có tài nhưng bị sự đố kị của quan trường, Cao Bá Quát chỉ đỗ Cử nhân (khoa Tân mão (1831) đời Minh Mạng)

Ông là người có nhân cách cứng cỏi và phóng khoáng, nên sau một thời gian làm quan với triều Nguyễn, Cao Bá Quát bị đẩy khỏi hình đô để nhận chức giáo thụ ở phủ Quốc Oai, Sơn Tây

Bất bình với triều đình về nhiều mặt, năm 1854, Cao Bá Quát tham gia lãnh đạo phong trào nông dân khởi nghĩa do Lê Duy Cự làm minh chủ. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Cao Bá Quát hy sinh. Triều đình nhà Nguyễn thực hiện lệnh. “tru di tam tộc” hết sức tàn bạo, khắc nghiệt với dòng họ Cao.

1.2. Sự nghiệp của Tác giả Cao Bá Quát

Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn, dù thơ văn ông bị cấm đoán và thủ tiêu một phần, nhưng di sản còn lại rất lớn: về chữ Hán có 1535 bài thơ, về chữ Nôm, ông còn để lại một số bài hát nói, thơ Đường luật và bài phú “Tài tử đa cùng”.

1.3. Phong cách  của Tác giả Cao Bá Quát

Thơ Cao Bá Quát phong phú trong nội dung, cảm hứng

Thể hiện lòng tin của nhà thơ vào ý chí, vào tài năng của mình. Ông sống nghèo nhưng khinh bỉ những kẻ khom lưng, uốn gối để được giàu sang và tự tin rằng mình có thể thay đổi được cuộc đời mình.

Thơ Cao Bá Quát thường có hình ảnh độc đáo, tứ thơ bay bổng, khoáng đạt

Ông thường đề cao những người anh hùng trong lịch sử, những người có chiến công hiển hách, đồng thời qua những bài thơ đó, nhà thơ thể hiện hoài. bão về một sự nghiệp chói lọi như người xưa.

Cao Bá Quát còn là một nhà thơ trữ tình với bút pháp đặc sắc. Thơ ông viết nhiều về vợ con, về bè bạn, về học trò về quê hương. Hình tượng trong thơ thường bay bổng, lãng mạn.

2. Tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát

2.1. Hoàn cảnh ra đời

Cao Bá Quát thi đậu Cử nhân năm 1831 tại trường thị Hà Nội, để thi tiến sĩ cần vào kinh đô Huế. Do vậy ông đã nhiều lần đi Huế để thi Hội. Hành trình từ Hà Nội vào Huế, qua nhiều tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, là những vùng có nhiều bãi cát trắng mênh mông.

Vì thế, hình ảnh những cồn cát miền Trung đã sớm đi vào thơ ca Cao Bá Quát và khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tạo cho nhà thơ. Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên cát” có lẽ được thi nhân sáng tác vào hoàn cảnh trên.

2.2. Thể loại  của tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Tác phẩm được viết theo thể ca hành.

Đặc điểm của thể thơ này là tự do, phóng khoáng, các câu dài ngắn chen. lẫn nhau cốt bày tỏ cho bằng được xúc cảm của thi nhân.

Nhịp điệu của bài hành thay đổi liên tục, tạo nên cảm giác tự do, thoải mái đối với người đọc.

2.3. Bố cục của tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Bố cục của tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát chia thành 2 phần:

  • Phần 1 (Bốn câu đầu): Cảnh bãi cát dài và người đi trên cát
  • Phần 2 (Còn lại): Tâm trạng và suy nghĩ của người đi trên bãi cát dài

II. Đọc – hiểu Tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Bài ca ngắn đi trên bãi cát

1. Cảnh bãi cát và việc người đi trên cát (bốn câu đầu)

Trước hết, đây là cảnh bãi cát thực, việc người đi trên cát cũng là thực – chính bản thân tác giả, từ sau năm 1831 – năm Cao Bá Quát thi đỗ cử nhân, đã nhiều lần đi qua những trắng cát dài mênh mông, trắng xoá, dọc bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị, vào Huế thi Hội. Đó cũng là cảnh mà Nguyễn Du sáng tạo trong Truyện Kiều: Bốn bề bát ngát xa trông – Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia. Sau này, Tố Hữu tả trong bài Mẹ Suốt: Chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình. Và Xuân Quỳnh lấy làm tên một tập thơ: Gió Lào cát trắng.

Hình ảnh bãi cát mênh mông, dường như bất tận, nóng bỏng, trắng xoá, nhức mắt dưới ánh mặt trời. Những cơn gió Lào vượt qua dãy Trường Sơn đem cái khô rát, ào qua bãi cát, đổ ra biển Đông. Đó là hình ảnh thiên nhiên đẹp dữ dội, khắc nghiệt của miền Trung nước ta.

Người đi trên cát thật khó nhọc. Bước chân như bị kéo lùi: đi một bước lại lùi một bước. Khổ đến nỗi nước mắt rơi. Đó là việc thực, người thực mà chính Cao Bá Quát là người trải nghiệm không chỉ một lần trên đường tìm công danh như bao nho sĩ khác.

 Nhưng tất nhiên, và đây mới là nghĩa chủ đạo – nghĩa tượng trưng: hình ảnh bãi cát còn mang ý nghĩa ám chỉ cái môi trường, cái xã hội, con đường đời đầy chông gai, gian khổ, nhọc nhằn mà người đi trên cát, con người buộc phải dấn thân trong cuộc đời để mưu cầu sự nghiệp, công danh cho bản thân, cho gia đình, dòng họ.

Đây là một sáng tạo mới mẻ so với các nhà thơ khác khi sử dụng thi đề này. Với Lí Bạch, chẳng hạn, con đường và người đi đường trong Hành lộ nan (Đường đi khó) hoàn toàn chỉ có ý nghĩa tượng trưng.

2. Tâm trạng và suy nghĩ của người đi trên bãi cát (đoạn còn lại).

Hai câu: Không học được tiên ông phép ngủ – Trèo non, lội suối, giận khôn vơi dẫn từ tích cổ có người họ Hạ Hầu có thể vừa đi vừa ngủ, treo núi, lội sông mà mắt vẫn nhắm, chân vẫn bước mà mũi vẫn ngáy đều đều. Ở đây, tác giả tự cảm thấy giận mình vì không có khả năng như người xưa, mà phải tự mình hành hạ thân xác mình, chán nản, mệt mỏi vì công danh – danh lợi.

Hai câu tiếp: Xưa nay, phường danh lợi – Tất tả trên đường đời nói về sự cám dỗ của cái bả công danh đối với người đời. Vì công danh – danh lợi (danh vọng đi với quyền lợi) mà con người phải bôn tẩu – tất tả xuôi ngược, khó nhọc mà vẫn đổ xô vào. Kìa, ông già hơn bảy mươi tuổi còn cố đi thi lần cuối cùng để rồi lại trượt vì nộp quyển muộn hoặc chết cóng trong trường thi (Ngô Tất Tố, Lều chõng).

Nhưng trong khuôn khổ và hoàn cảnh của chế độ phong kiến, hỏi có còn con đường nào khác để các nho sinh thực hiện lí tưởng cuộc đời: vinh thân – phì gia – thờ vua – giúp nước, ngoài đường đi học – đi thi – làm quan?

Hai câu thơ đã thể hiện sự chán ghét, khinh bỉ của Cao Bá Quát đối với phường danh lợi. Ông muốn đứng cao hơn bọn ấy, không muốn đi theo con đường đau khổ ấy, nhưng chưa biết tìm lối rẽ nào và đi về đâu, theo hướng nào.

Hai câu tiếp: Đầu gió hơi men thơm quán rượu – Người say vô số, tỉnh bao người tiếp tục thể hiện tâm trạng chán ghét danh lợi và phường danh lợi như kẻ say sưa trong quán rượu, thấy quán rượu ngon, rượu thơm thì đua tìm đến và say sưa thưởng thức một cách tầm thường. Danh lợi cũng là một thứ rượu ngon dễ cám dỗ, làm say người. Cau hỏi của nhà thơ như trách móc, như giận dữ, như lay tỉnh người khác nhưng cũng chính là tự hỏi bản thân. Ông đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, con đường công danh đương thời là vô nghĩa, tầm thường: Đời ta lầm lỡ vì cái danh hờ – Hàng chục năm chìm đắm trong bút mực… Một chút danh mà lận đận mãi chưa được …

Bảy câu thơ cuối:

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.

Anh đứng làm chi trên bãi cát ?

Người đi trên bãi cát bỗng nhiên dừng lại. Băn khoăn choán đầy tâm trí. Lần đầu tiên, ông phân vân tự hỏi: Thế là thế nào? Có nên đi tiếp hay chăng? Tính sao đây? Đi tiếp sẽ phải đi như thế nào? Câu cảm và những câu hỏi tu từ tiếp theo chứng tỏ tâm trạng băn khoăn, day dứt và có phần bế tắc ấy.

Khúc đường cùng (cùng đồ) ở đây hoàn toàn chỉ có nghĩa biểu tượng. Nỗi tuyệt vọng trùm lên cả bãi cát dài, cả người đi. Ông chỉ còn có thể hát lên bài ca về con đường cùng của mình, về sự bế tắc, tuyệt vọng của mình trước cuộc đời. Đứng lại nhìn quanh bãi cát dài, bất lực và nuối tiếc. Bất lực vì không thể đi tiếp mà cũng chưa biết làm gì tiếp. Đứng làm chi trên bãi cát? Ông nghi ngờ cả sự tôn tại và hành động của mình. Đi tiếp theo phường danh lợï? Nhất định không bao giờ vì đó là điều ông căm ghét, khinh bỉ nhất, Quay về ở ẩn, độc thiện kì thân giữ riêng mình trong sạch giữa cuộc đời ô trọc? Cũng không thể và không muốn.

Hình ảnh thiên nhiên trở lại: phía Bắc, phía Nam đều đẹp hùng vĩ nhưng cũng đầy khó khăn hiểm trở. Một lần nữa hình ảnh thiên nhiên ở đây lại vừa bao hàm nghĩa thực nhưng hướng nhiều hơn về nghĩa biểu tượng.

Tư thế dừng lại nhìn bốn phía mà hỏi vọng lên trời cao, lại hỏi chính lòng mình thể hiện khối mâu thuẫn lớn đang đè nặng trong tâm trí nhà thơ.

III. Tổng kết của tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát

1. Nghệ thuật

  • Bài thơ giàu hình ảnh tượng trưng (bãi cát, quán rượu, người đi đường, mặt trời)
  • Âm điệu bi tráng (vừa buồn, vừa có sự phản kháng âm thầm, quyết liệt đối với xã hội lúc bấy giờ)

2. Nội dung

  • Bài thơ là sự chán ghét đối với con đường mưu cầu danh lợi tầm thường
  • Tâm trạng bi phẫn của kẻ sĩ chưa tìm thấy lối thoát trên đường đời. Phê phán lối học thuật, sự bảo thủ trì trệ của triều Nguyễn. 

Chúc các bạn học tốt Bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Biên Tập_ Dân Khối C

Related Posts

About The Author

Add Comment