Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ

Văn bản

Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc bình Tây, cờ đại tướng

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Được mất dương dương người tái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không tiên, không vướng tục

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả Nguyễn Công Trứ

1.1. Vài nét tiểu sử của tác giả Nguyễn Công Trứ

Tác giả Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, xuất thân trong một gia đình nhà nho, quê làng Uy Viễn (nay thuộc xã Xuân Giang), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Công Trứ có một tinh thần học tập cực kì cần cù, say mê. Mặc dù con đường thi cử lận đận, ông vẫn quyết tâm theo đuổi, mãi đến năm 1819 ông. đậu Giải nguyên.

Con đường làm quan của Nguyễn Công Trứ không được bằng phẳng, khi làm đến Thị lang bộ Hình và đại tướng, lúc bị giáng chức làm lính thú ở biên thuỳ.

Nguyễn Công Trứ là người có nhiều tài, tài nào của ông cũng để lại dấu ấn trong lịch sử, trong giai thoại như tài quân sự, tài tổ chức công việc, tài văn chương. Ông rất thành công trong việc tổ chức khẩn hoang, ngay khi ông còn sống, nhân dân hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn đã lập sinh từ để thờ ông.

1.2. Sự nghiệp của tác giả Nguyễn Công Trứ

Mặc dù đỗ đạt cao nhưng Nguyễn Công Trứ ít sáng tác bằng chữ Hán, hiện chỉ còn một bài thơ chữ Hán, một số bài thơ Nôm Đường luật, một bài phú Hàn nho phong vị và trên sáu mươi bài hát nói.

Nguyễn Công Trứ là người có công đầu khẳng định vị trí của thể thơ hát nói. Thể loại văn học này cùng với các đặc điểm khác của nó, là phương tiện nghệ thuật đắc địa nhất để Nguyễn Công Trứ thể hiện tính cách đa tình, ngang tàng phóng túng của mình.

Thơ văn Nguyễn Công Trứ góp phần khẳng định chân dung một con người luôn chủ động tích cực khẳng định cá nhân và tự do, nghĩa là vượt phận một cách có ý thức, điều này trái ngược với tư tưởng an mệnh thụ động của Nho giáo.

Nguyễn Công Trứ bộc bạch một cách mạnh mẽ ước vọng làm nên một sự nghiệp lẫy lừng, cùng với nó là ý thức khẳng định công danh, ý thức về phận sự cá nhân trong xã hội.

Ngôi đền thờ Nguyễn Công Trứ

Ngôi đền thờ Nguyễn Công Trứ

2. Tác phẩm Bài ca ngất ngưởng

2.1. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Bài ca ngất ngưởng 

Bài ca ngất ngưởng là tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Công Trứ được viết vào sao năm, 1848, đó là thời gian sau khi ông cáo quan về hưu.

2.2. Thể loại của bài thơ Bài ca ngất ngưởng 

Thể thơ hát nói

Thể thơ thể hiện sự phóng khoáng của con người cá nhân tự do.

Sự luân phiên các thanh bằng và thanh trắc không theo quy luật lí trí mà theo cảm xúc.

Việc đan xen các cầu thơ thuần Việt và câu thơ chữ Hán đã cho thấy sự tự do thoải mái trong việc sáng tạo thơ. Điều đó giúp cho tác giả dễ dàng bày tỏ tâm trạng, cảm xúc dồi dào của mình.

2.3. Bố cục

Bài ca ngất ngưởng có những cách phân đoạn khác nhau, ở đây chia thành 2 đoạn chính, theo mạch ý – cảm xúc:

  • Đoạn 1 (Sáu câu đầu): Hi Văn ngất ngưởng trong triều đình, khi đương chức đương quyền
  • Đoạn 2 (Phần còn lại): Ngất ngưởng khi về hưu.

II. Đọc – hiểu văn bản Bài ca ngất ngưởng

1. Biểu hiện của sự ngất ngưởng qua bài thơ

1.1. Sự ngất ngưởng khi đang làm quan (6 câu đầu)

  • Tự đề cao vai trò của mình trong cõi trời đất
  • Khẳng định tài năng hơn đời (tài bộ, thủ khoa, gồm thao lược)
  • Khẳng định công lao, chức vị hơn đời (Tham tán, Tổng đốc, đại tướng, Phủ doãn)

→ Tự giới thiệu mình là người có tài lớn, ngang tầm vũ trụ, kết hợp với việc xưng danh “Hi Văn” thể hiện thái độ tự tôn, khẳng định chính mình.

→ Thủ pháp liệt kê “khi …” minh chứng cho “tài bộ” là thật, thể hiện niềm tự hào.

→ Cách dùng từ vừa hóm hỉnh, tự giễu, vừa tự tìn: “vào lồng” (công danh vừa là vinh, là trách nhiệm, vừa là nợ), “tay ngất ngưởng” (khẳng định tư thế, dáng vóc độc đáo nhất trong chốn quan trường)

→ Tiểu kết: Nguyễn Công Trứ không chỉ thể hiện rõ cái tôi ý thức về tài năng, công lao của bản thân, mà còn bộc lộ quan niệm: đem tài năng, công lao phục vụ cho nước cho dân là trách nhiệm của kẻ sĩ dù đó cũng là vòng vây trói buộc của quan trường đối với ông.

1.2. Sự ngất ngưởng khi về hưu (13 câu tiếp theo)

“Ngất ngưởng” thể hiện ở việc làm trái tự nhiên, khác người: (đạc ngựa bò vàng, lên chùa dắt theo một đôi dì)

“Ngất ngưởng” ở nhân cách: coi thường được – mất, khen – chế.

“Ngất ngưởng” ở việc làm khoái lạc thỏa thích, phóng túng, tự do, thích gì thì làm nấy, sống theo cách của mình, sống cho thích chí: khi ca, khi tưu, khi cắc, khi tùng.

“Ngất ngưởng” trong sự thống nhất với những mẫu thuẫn:

  • Danh tướng (tay kiếm cung) >< từ bi
  • Hòa mình trong cõi tục >< Không vướng tục
  • Tự do, phóng khoáng, vui chơi hết mình >< rất trung quân.

“Ngất ngưởng” ở việc tự đánh giá mình:

  • Ngang hàng với danh tướng sự nghiệp hiển hách (Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú)
  • Rất mực trung trung quân (Nghĩa vua tôi vẹn đạo sơ chung)
  • Hơn hẳn hàng ngũ quan lại trong triều (Trong triều ai ngất ngưởng như ông)

→ Tiểu kết:  Lối sống tích cực, trung thực, bản lĩnh.

2. Ý nghĩa tích cực của phong cách sống ngất ngưởng

  • Có ý thức cá nhân (về tài năng, công lao), đồng thời có ý thức trách nhiệm, bổn phận với đất nước.
  • Lối sống rất trung thực với chính mình và đầy bản lĩnh
  • Lối sống ngất ngưởng khác lối sống lập dị

III. Tổng kết bài thơ Bài ca ngất ngưởng 

1. Giá trị nghệ thuật

  • Bài thơ là tiêu biểu cho thể loại văn hát nói
  • Bên cạnh yếu tố hát (nhạc điệu), yếu tố nói đậm nét ngôn ngữ nói của đời sống qua các đại từ xưng hô “ông”, “tay”, và cách nói giản dị tự nhiên như giao tiếp hằng ngày “vào lồng”, “nực cười”.
  • Sử dụng nhiều từ Hán Việt, điển cố thể hiện chất tài hoa trí tuệ của tác giả

2. Giá trị nội dung

Qua thái độ “ngất ngưởng”, tác giả không chỉ thể hiện sự ý thức rõ về giá trị bản thân: tài năng, địa vị, phẩm chất; mà còn bộc lộ một phong cách sống tốt đẹp, có bản lĩnh: hết lòng vì vua, vì nước, bất chấp mọi được – mất, khen – chê ở đời.

Chúc các bạn học tốt Bài Bài ca ngất ngưởng

Biên Tập_ Dân Khối C

Related Posts

About The Author

Add Comment