Bài thơ Vịnh khoa thi Hương – Tú Xương

Trần Tế Xương học giỏi, thơ hay nhưng đường thi cử hết sức lận đận. Cho đến tận lúc mất, ông cũng chỉ đỗ tú tài. Bởi vậy, ông có cả một thi đề, một chùm thơ phong phú về thi cử mà một trong những bài tiêu biểu nhất là Vịnh khoa thi Hương

Thi Hương, thi Hội, thi Đình là ba kì thi cơ bản trong quá trình tuyển chọn nhân tài thời phong kiến ở Việt Nam.Thi Hương là kì thi đầu tiên.

Văn bản 

Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.

Lọng cắm rợp trời: quan sứ đến;

Váy lê quét đất, mụ đầm ra.

Nhân tài đất bắc nào ai đó?

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

I. Khái quát tác giả và tác phẩm

1. Tác giả Trần Tế Xương

1.1.Vài nét tiểu sử tác giả Trần Tế Xương

Trần Tế Xương (5/9/1870 – 29/1/1907), thường gọi là Tú Xương, tên thật là Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, có lúc đổi là Trần Cao Xương.

Quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc (nay thuộc phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định.

Ông học sớm, mới 15 tuổi đã đi thị Hương nhưng không đậu, mãi đến khoa Giáp Ngọ (1894) mới đậu Tú tài. Tú Xương tiếp tục thi Cử nhân nhưng khoa nào cũng trượt.

1.2. Sự nghiệp

Sáng tác của Trần Tế Xương được truyền tụng trong dân chúng quanh vùng, sau mới được sưu tập lại, khoảng 100 bài.

Tác phẩm của ông chủ yếu là chữ Nôm, viết bằng các thế thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát và song thất lục bát

Hai mảng phong cách được thể hiện rõ trong thơ Tú xương là trào phúng và trữ tình,

Thơ Đường luật của Trần Tế Xương có sự cách tân độc đáo: dùng thể thơ trang nhã, có tính quy phạm để làm “vè” châm biếm những nhân vật bí ổi những sự kiện nhơ nhuốc, chướng tai gai mắt.

Tính thời sự được thể hiện khá rõ nét trong thơ ông với những hình ảnh người thật việc thật, những sự việc đang diễn ra trong xóm ngoài phường.

1.3. Hoàn cảnh xã hội và thơ Tú Xương.

Trần Tế Xương sống trong buổi đầu chuyển giao từ xã hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến. Thơ ông in đậm đời sống xã hội thị dân, thể hiện sâu sắc những lối sống và sự ra đời của một lớp người mới, pha tạp, nhố nhăng, bất ổn.

Thế giới nhân vật trong thơ Tú Xương là những ông Huyện, ông Phủ, ông. Đốc, ông Đội, ông Cử, cậu ấm mà phần nhiều đã biến chất, biến dạng.

Trần Tế Xương đứng giữa dòng văn hoá truyền thống và phương Tây mới mẻ, giữa “bút lông” và “bút chì”, bâng khuâng giữa lối học đèn sách ngàn xưa với ý thức của một nhà Nho kiên quyết không chấp nhận sản phẩm mới, hoặc có phương diện nào đó muốn dung hoà nhưng trước sau vẫn không hoà nhập được.

Những cảnh đời, những con người, sản phẩm của cái xã hội “nữa Tây, nữa ta” được tái hiện lên thật nhếch nhác, thảm hại và quái gở dưới ngòi bút trào phúng bậc thầy của Trần Tế Xương.

2. Tác phẩm Vịnh khoa thi Hương

Vịnh khoa thi Hương 03

2.1. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Vịnh khoa thi Hương

Bài thơ còn có nhan đề Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu (năm 1897). Thi Hương ở Hà Nội bị thực dân Pháp bãi bỏ, không cho tổ chức. Vì vậy hai trường Nam Định và Hà Nội thi chung.

Vịnh khoa thi Hương là một trong những bài thơ về đề tài thì cử, một đề tài xuất hiện khá đậm nét trong sáng tác của Tú Xương. Với mảng đề tài này, Trần Tế Xương bộc lộ rất rõ thái độ mỉa mai, phẫn uất đối với chế độ thi cử đương thời.

2.2. Thể loại Bài thơ Vịnh khoa thi Hương

Thất ngôn bát cú đường luật

2.3. Chủ đề của bài thơ Vịnh khoa thi Hương

Phản ánh hiện thực đất nước và thể hiện tấm lòng của tác giả đối với nước nhà

2.4. Bố cục của bài thơ Vịnh khoa thi Hương

Bài thơ Vịnh khoa thi hương chia bố cục thành 4 phần

  • Phần 1 (hai câu đề): Giới thiệu khoa thi năm Đinh Dậu
  • Phần 2 (hai câu thực): Hình ảnh sĩ tử và quan trường
  • Phần 3 (hai câu luận): Hình ảnh quan sứ và bà đầm
  • Phần 4 (hai câu kết): Thái độ, tâm trạng của tác giả

II. Đọc hiểu Bài thơ Vịnh khoa thi Hương

1. Hai câu đề: Giới thiệu khoa thi năm Đinh Dậu

Hai câu đầu mang tính chất tự sự, kể lại khoa thi năm Đinh Dậu, bề ngoài thông điệp gởi đến có vẻ bình thường. Theo thông lệ đã có từ trước, cứ ba năm nhà nước phong kiến mở một khoa thi.

Tuy nhiên, tính chất không bình thường đã bộc lộ rõ ngay trong cách tổ chức: Trường Nam thi lẫn với trường Hà. Trước đây, trường Nam (Nam Định) và trường Hà (Hà Nội) đều thi riêng. Đã có sự xáo trộn, mặc dù không nói rõ nhưng người đọc vẫn biết ngay rằng, Pháp xâm lược, các sĩ tử Hà Nội phải về Nam Định để ứng thí.

Từ “lẫn” trong câu thơ thứ hai được dùng khá đắc địa, Nó dự báo một sự lẫn lộn tùng phèo, một sự pha trộn, ô hợp, bát nháo của khoa thi.

Vịnh khoa thi Hương 02

2. Hai câu thực: Hình ảnh sĩ tử và quan trường

Hình ảnh sĩ tử hiện lên không hề mang dáng dấp thư sinh, Biện pháp đảo ngữ “lôi thôi sĩ tử” đã nhấn mạnh vào sự luộm thuộm, lôi thôi, nhếch nhác của đám đông sĩ tử đến trường thi bấy giờ.

Hình ảnh ấy đã phản ảnh sự sa sút nghiêm trọng về một hoạt động vốn rất hệ trọng đến tương lai của quốc gia dân tộc là lựa chọn nhân tài.

Hình ảnh quan trường xuất hiện với dáng vẻ ra oai, nạt nộ, Từ “ậm ọe” biểu đạt âm thanh của tiếng nói to, nhưng lại bị cản trong cổ họng nên trầm và nghe không rõ. Cái oai rởm của các vị quan trường đã được thể hiện qua nụ cười châm biếm sâu cay của tác giả.

Âm thanh “ậm ọe” thét loa của quan trường thi càng làm tăng sự huyên  náo, lộn xôn của cảnh trường thị khoa Đinh Dậu

Sĩ tử được khắc dựng bằng hình dáng (lôi thôi), quan trường được miêu tả bằng âm thanh (âm oe), nhưng cả hai đều đồng dạng ở góc độ nhếch nhắc, không ra hồn.

3. Hai câu luận: Hình ảnh quan sứ và bà đầm

Quan sứ và bà đầm xuất hiện trong cảnh đón tiếp rất linh đình, náo nhiệt “Lọng cắm rợp trời”. Bà đầm thì diêm dúa trong chiếc “váy lê quét đất”. Sự xuất hiện của hai loại nhân vật trên giống như một màn trình diễn, phô trương về hình thức. Và chính sự xuất hiện đó càng làm tăng thêm sự nhốn nháo, ô hợp, tương phản với cảnh sĩ tử và quan trường của trường thi.

Nghệ thuật đối ở hai câu luận được tác giả vận dụng hết sức đắc địa. Tú Xương đã đem “cờ” che đầu quan chánh sứ đối với “váy” của bà đầm, Cách thể hiện ấy tạo nên sức mạnh đả kích dữ dội, quyết liệt, sâu cay. Tú Xương đã hạ nhục bọn thực dân xâm lược một cách thú vị, hả hệ.

4. Hai câu kết: Tâm trạng, thái độ của tác giả trước cảnh tượng trường thi

Hai câu cuối của bài thơ là lời nhắn gửi của tác giả đối với trí thức nước nhà, bộc lộ nỗi lo âu của ông đối với vận mệnh đất nước.

Hai chữ “ngoảnh cổ” có giá trị tạo hình rất lớn. Nó diễn tả tư thế một người đã bỏ đi, thơ ơ với thời thế của dân tộc, nay cần quay lại để xem tình cảnh bị thảm của đất nước, dân tộc.

Ba chữ “cảnh nước nhà” đã bao quát hết tâm sự và tấm lòng yêu nước của Tú Xương.

Mở đầu bài thơ tác giả sử dụng giọng điệu trào phúng, kết thúc bài thơ là tiếng than đài cho cảnh nước mất nhà tan và bao kẻ ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi nhục mất nước. Thơ Tú Xương vì thế có giá trị cảnh tỉnh rất lớn trước thực tại bi đát của dân tộc.

Toàn bộ bài thơ có bốn nhân vật: sĩ tử, quan trường, quan sứ, mụ đầm. Những nhân vật này hiện diện trong tư thế kệch cỡm, đáng cười. Nhưng tâm sự của tác giả đẳng sau những con người đó thì lại là đau xót, đau xót đến tận cùng của nỗi nhục khi quốc gia bị kẻ thù nô lệ.

III. Tổng kết

1.Nghệ thuật

Nghệ thuật đối, đảo ngữ, ngôn ngữ có tính chất khẩu ngữ, trong sáng giản dị nhưng giàu sức biểu cảm.

2. Nội dung

Bài thơ ghi lại cảnh “nhập trường” vừa ghi lại cảnh lễ xướng danh qua đó nói lên tâm trạng đau đớn chua xót của nhà thơ trước hiện thực mất nước, giao thời nhốn nháo, nhố nhăng. 

Chúc các bạn học tốt Bài thơ Vịnh khoa thi Hương

Biên Tập_ Dân Khối C

Related Posts

About The Author

Add Comment